Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây trong những ngày cuối tháng 3/2021 đã thông xe đường công vụ, xe ôtô có thể đi từ đầu đến cuối tuyến. Tại một số đoạn, nhà thầu đã cho xe lu vào thi công nền đường. Công nhân hầu như làm việc cả ngày đêm. Sân bay Phan Thiết cũng đang khởi động, dự kiến bắt đầu triển khai tuần đầu tháng 04. Đây là các hạng mục quan trọng được tập trung đầu tư trong hệ thống hạ tầng kết nối tỉnh Bình Thuận.
Đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng
Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây dài 99 km, mặt đường rộng hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h được khởi công ngày 30/9. Dự án có vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuyến đường ngày có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển từ TP HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết. Cao tốc cũng sẽ kết nối với sân bay Long Thành, giúp cho du khách từ sân bay quốc tế về Phan Thiết thuận tiện và nhanh chóng hơn, tạo nên trục giao thông liền mạch giữa TP HCM – Long Thành – Phan Thiết.
Ngoài cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, tỉnh Bình Thuận đang tập trung huy động nguồn lực triển khai đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không. Cụ thể, sân bay Phan Thiết đang hoàn tất thủ tục đầu tư, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tiến tới giai đoạn chuẩn bị khởi công tuần đầu tháng 4. Đây là một trong 6 cảng hàng không quốc nội ở khu vực phía Nam, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2022, cùng lúc cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây thông xe.
Trước đó, vào đầu năm 2019, tỉnh này đã đưa vào vận hành cảng Vĩnh Tân, cảng biển quốc tế đầu tiên ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Khi hai dự án lớn kể trên hoàn thành, Bình Thuận sẽ là tỉnh có hạ tầng đồng bộ cả đường bộ, đường hàng không và đường thủy. Song song đó, tỉnh này cũng xúc tiến hoàn thành cải tạo các trục đường trọng yếu, các trục nối liền những địa danh du lịch nổi tiếng.
Việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng được đẩy nhanh trong bối cảnh Bình Thuận đặt mục tiêu hoàn thành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, từ nay đến hết năm 2025, tỉnh tập trung đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch để đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia. Theo UBND Bình Thuận, Bình Thuận có khát vọng đến năm 2030 sẽ trở thành thiên đường nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một điểm đến du lịch và nghỉ dưỡng đáng mơ ước cho các mục đích du lịch biển và giải trí, du lịch thám hiểm và thể thao, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch chăm sóc sức khoẻ, nghỉ dưỡng và đặc biệt là du lịch hội nghị (MICE).
Theo đó đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu tổng thu từ khách du lịch đạt 78.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân từ 10%-12% mỗi năm. Ngành du lịch đóng góp trực tiếp vào GRDP địa phương ở mức 1,25%-1,4%. Ngành dịch vụ này sẽ tạo ra khoảng 190.000 việc làm và đón ít nhất 17,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10%-12%.
Tăng tiềm năng du lịch
Việc xúc tiến hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của Bình Thuận nhận về nhiều đánh giá tích cực. Chia sẻ với VnExpress, PGS. TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng việc phát triển hạ tầng đồng bộ chắc chắn giúp tỉnh này có nhiều cơ hội phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội – môi trường nói chung. Các công trình trên sẽ giúp Duyên hải Nam Trung Bộ liên kết khai thác văn hóa Chăm. Trong các tỉnh có chung nét văn hóa này, Bình Thuận nổi bật nhờ thắng cảnh riêng của Phan Thiết.
Chuyên gia này phân tích thêm, dù có tiềm năng du lịch lớn nhưng hiện nay, việc tiếp cận Bình Thuận chỉ có thể bằng tàu hỏa, ôtô và đường biển, dẫn đến chi phí thời gian rất cao. Vì thế, việc hoàn thiện sân bay Phan Thiết có tác dụng tăng cường khả năng tiếp cận, tiết kiệm thời gian và mở rộng đối tượng du lịch cho tỉnh.
“Với các khách quốc tế, ngoài du lịch bằng đường biển trên các loại hình cao cấp, đường hàng không là phương tiện phổ biến nhất”, ông Trần Kim Chung nhấn mạnh.
Đầu tư cơ sở hạ tầng, chiến lược phát triển du lịch rõ ràng cũng là điểm thu hút nhiều doanh nghiệp góp mặt tại Bình Thuận như Tập đoàn Novaland, Rạng Đông Group, Hưng Lộc Phát… Kéo theo đó, các thương hiệu quốc tế cũng hội tụ về đây, có thể kể đến như Radisson, Movenpick, Novotel, Centara Hotels & Resorts…
Trong hội nghị Bàn tròn Liên hợp quốc 2045 vào giữa tháng 3, Đại diện Tập đoàn Novaland đánh giá Bình Thuận đang có nhiều lợi thế về giao thông, kết nối với các thành phố lớn thông qua sân bay, cảng biển, đường cao tốc. Doanh nghiệp này đang triển khai dự án NovaWorld Phan Thiet quy mô quy mô 1.000 ha tại Tiến Thành, Phan Thiết với tổng mức đầu tư là 5 tỷ USD.
“Bình Thuận khi kết nối TP HCM sẽ trở thành liên kết vùng nổi trội, mang đến tiềm năng du lịch lớn”, đại diện Novaland khẳng định.